Vai trò và sự phát triển của OPAC trong thư viện

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo ra những tác động to lớn đến mọi hoạt động trong lĩnh vực thư viện – thông tin và thiết kế OPAC (Online Public Access Catalog – mục lục tra cứu trực tuyến) là một trong những minh chứng rõ rệt cho vấn đề này.

OPAC là mục lục trực tuyến bao gồm các tài liệu được tổ chức trong một thư viện hay một hệ thống thư viện. Có thể nói, OPAC là công cụ hữu ích, là thành phần quan trọng không thể thiếu của một thư viện hiện đại trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin như hiện nay. OPAC là bộ mặt của Thư viện, là cầu nối trao đổi thông tin giữa bạn đọc và thư viện. Hoạt động của một thư viện được đánh giá là hiệu quả khi làm thỏa mãn được tối đa các nhu cầu tin của bạn đọc một cách nhanh chóng. Để làm được điều đó, ngoài việc trang bị nguồn tài liệu phong phú, thực hiện tốt quy trình nghiệp vụ, mỗi thư viện cũng cần có một giao diện OPAC thân thiện, với nhiều tính năng,  thiết kế phù hợp… dễ sử dụng tạo điều kiện tối đa cho bạn đọc có thể tra cứu và gửi các yêu cầu một cách nhanh chóng. Nhận định được tầm quan trọng của vấn đề này, trong suốt hơn 30 năm trở lại đây, các nhà cung cấp phần mềm thư viện đã tập trung phát triển giao diện OPAC cho phần mềm của mình.

OPAC bắt đầu thay thế mục lục phích truyền thống trong các thư viện từ những năm 1980, lịch sử phát triển OPAC trải qua 3 thế hệ khác nhau mà mỗi thế hệ về sau lại có nhiều cải tiến nhất định.

Thế hệ OPAC thứ nhất khá đơn giản. Chúng được thiết kế tương tự mục lục truyền thống với các đặc trưng thư mục dựa trên các biểu ghi MARC để giúp tra cứu những tài liệu như sách, tạp chí trong các thư viện. Khả năng tìm tin của chúng chỉ giới hạn ở chức năng tìm theo tên tác giả hoặc tên tài liệu.

Thế hệ OPAC thứ hai xuất hiện từ cuối những năm 1980 và chúng được đánh dấu bởi việc cải thiện giao diện người sử dụng . Một số khả năng tìm tin theo toán tử Boolean, toán tử chặt cụt được cải thiện và số lượng các điểm truy cập cũng tăng lên.

Thế hệ OPAC thứ ba có những cải thiện rõ rệt về chức năng của OPAC hiện tại so với thế hệ OPAC thứ hai. Trước hết việc ứng dụng giao thức Z39.50 và giao diện Web trong OPAC, chức năng của chúng đã nhanh chóng chuyển từ OPAC truyền thống sang chức năng của cổng thông tin. Ví dụ, một số OPAC cung cấp địa chỉ liên kết tới các nhà xuất bản, các bài tạp chí, mục lục, và các tài liệu toàn văn khác từ các nhà cung cấp cơ sở dữ liệu hay các nhà xuất bản điện tử. Tiếp theo là người dùng có thể dùng một giao diện OPAC dựa trên web để tra tìm nhiều nguồn tin khác nhau bao gồm các nguồn tài liệu in và tài liệu điện tử trong thư viện và cả một số nguồn tài liệu bên ngoài thư viện. Hơn nữa, các chức năng của OPAC cũng nhanh chóng được cải thiện. OPAC đã tích hợp nhiều đặc trưng mới như xếp hạng kết quả tìm, hiển thị thông báo sách mới với các file ảnh bìa của tài liệu, và liệt kê URLs trong mục lục.

Hiện nay, các OPAC được biết đến như các cổng thông tin, hay các hệ thống quản lý nguồn tin điện tử. Và người dùng có thể sử dụng OPAC dễ dàng như tìm kiếm trên Google.

Ngoài các tính năng của các thế hệ trước đó, OPAC thế hệ thứ 3 còn được cải tiến và phát triển thêm nhiều tính năng hữu ích cho người dùng từ việc tìm kiếm đến việc đặt mượn giúp họ có thể tiết kiệm về thời gian và công sức. Các cải tiến đó bao gồm:

-          Cho phép người sử dụng tìm được một số lượng lớn các cơ sở dữ liệu thư mục và các nguồn tài liệu toàn văn bằng một lệnh duy nhất.

-          OPAC cho phép tìm kiếm với nhiều tiêu chí khác nhau của tài liệu (nhan đề, tác giả, Đăng ký cá biệt, Ký hiệu phân loại, năm xuất bản, số ISBN…).

-          Bạn đọc có tài khoản cá nhân trên OPAC, có thể quản lý và chỉnh sửa thông tin cá nhân, đặt mượn, gia hạn tài liệu trực tuyến, xem lịch sử mượn tài liệu.

-          Giới hạn kết quả tìm kiếm theo các tiêu chí khác nhau (chủ đề, tác giả, năm xuất bản…).

-          Cho phép hiển thị trên nhiều dạng với 1 biểu ghi kết quả tìm được như hiển thị đơn giản, hiển thị chi tiết, hiển thị theo dạng MARC.

-          Tính năng giá sách ảo cho phép lưu trữ lại các tài liệu hữu ích tìm thấy để mượn cho lần tiếp theo.

-          Bạn đọc có thể gửi đề xuất mua, bình luận,thêm từ khóa cho tài liệu.

-          Dữ liệu nhất quán thực hiện việc kiểm soát tính nhất quán của các biểu ghi.

-          Hoạt động tốt trên nhiều thiết bị khác nhau như điện thoại di động, máy tính bảng.

-          Giao dịch liên thư viện. 

Một số hình ảnh minh họa:

 


Hình 1. Cấu trúc tìm kiếm của phần mềm Encore

 

Encore là phần mềm tìm kiếm tập trung cho phép người sử dụng tìm được một số lượng lớn các cơ sở dữ liệu thư mục và các nguồn tài liệu toàn văn bằng một lệnh chung (single search). Các nguồn tài nguyên đó có thể là các bộ sưu tập trong thư viện, sách điện tử, nguồn tài nguyên điện từ, các bài trích báo tạp chí hay tài liệu của các tổ chức lưu trữ…

 


Hình 2. Giao diện kết quả tìm kiếm của phần mềm tìm kiếm tập trung Encore

 

 
Hình 3. Giao diện OPAC của phần mềm quản lý thư viện Koha

 


Hình 4. Giao diện hiển thị trang kết quả tìm kiếm tài liệu trong OPAC của phần mềm quản lý thư viện Koha

 

Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, việc phát triển OPAC và hệ thống thông tin là hết sức quan trọng đối với mỗi thư viện. Sự đa dạng hóa hệ thống tra cứu sẽ giúp thư viện phục vụ tốt hơn các nhu cầu tin của bạn đọc. Mặt khác giúp thư viện có thể hoàn thành tốt hơn vị trí, vai trò của mình. Nhìn chung, trong thời gian qua, các OPAC đã thành công đáng kể cả về mặt chức năng và khả năng. Từ các danh mục liệt kê tài liệu, chức năng của OPAC đã chuyển sang thành các cổng thông tin, nó cung cấp các truy cập tích hợp đến nhiều nguồn tin khác nhau và các loại tài liệu khác nhau. Hiện nay, OPAC đã ngày càng trở nên than thiện với bạn đọc, giúp cho việc tìm tài liệu dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả như việc sử dụng các công cụ tìm tin trên web. Sự phát triển của OPAC luôn luôn đi đôi với mục tiêu là “ cung cấp nhiều đặc trưng tìm tin cho các nhóm bạn đọc khác nhau cả về trình độ cũng như nhu cầu tin; và hơn nữa, kết quả đầu ra cũng ngày càng đảm bảo độ chính xác”.

Thông tin tham khảo:

Trương Đại Lượng. Xu hướng phát triển của OPAC thư viện// Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2008. - Số 3(15). - Tr. 11-15 .