HTKH: CNTT và Truyền thông - nền tảng của xã hội: Hiện tại và Tương lai

(ĐHVHHN) - Với mục tiêu làm sáng tỏ các vấn đề thực tiễn trong Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong xã hội hiện tại và hướng tới tương lai, đặc biệt là các lĩnh vực có ứng dụng liên quan đến một số chuyên ngành đào tạo của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Với mục tiêu làm sáng tỏ các vấn đề thực tiễn trong Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong xã hội hiện tại và hướng tới tương lai, đặc biệt là các lĩnh vực có ứng dụng liên quan đến một số chuyên ngành đào tạo của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sáng ngày 20 tháng 5 năm 2015, Hội thảo khoa học của Khoa Lý luận chính trị và Khoa học cơ bản đã diễn ra với chủ đề “Công nghệ thông tin và Truyền thông - nền tảng của xã hội: Hiện tại và Tương lai”.

 

Trước đó, Ban tổ chức đã nhận được gần 30 bài viết của các tác giả trong và ngoài trường. Thành phần tham gia Hội thảo là các cán bộ giảng viên của Khoa Lý luận chính trị và Khoa học cơ bản, khách mời ngoài trường gồm có ông Vũ Duy Lân – Phó Giám đốc Công ty Technology Integration and Cosulting D&L; bà Bùi Thị Anh; bà Dương Thu Thuỷ - Công ty D&L; ông Phạm Quang Quyền - Giám đốc Trung tâm thư viện Đại học Nội vụ Hà nội; khách mời trong trường gồm có ThS. Phùng Quốc Hiếu - Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Anh Cường - Trưởng Khoa Văn hoá Dân tộc; ThS. Phạm Thị Bích Ngân - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện - Đại học Văn hoá Hà Nội; ThS. Hà Thị Bích Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện - Đại học Văn hoá Hà Nội; ThS. Nguyễn Ngọc Thuý - Trung tâm Thông tin - Thư viện - Đại học Văn hoá Hà Nội; ThS. Phạm Thành Tâm - giảng viên Khoa Thư viện Thông tin; ThS. Nguyễn Thị Ngà - giảng viên Khoa Thư viện Thông tin; ThS. Trần Phương Ngọc - giảng viên Khoa Xuất bản - Phát hành.

 

BTC chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo

 

 Mở đầu Hội thảo, TS. Đỗ Quang Vinh tóm tắt nội dung chương trình và nêu rõ tầm quan trọng của công nghệ thông tin và truyền thông, các ứng dụng đa dạng của chúng trong xã hội hiện đại. Sau đó, Ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn bốn tham luận trình bày trong Hội thảo, bao gồm:

 

1. “Công nghệ thông tin - nền tảng của Xuất bản điện tử” của ThS. Trần Phương Ngọc - giảng viên Khoa Xuất bản - Phát hành. Bài phát biểu đề cập đến xu hướng phát triển của các nhà xuất bản trên thế giới hiện nay, đó là sự phát triển của công nghệ thông tin ngày càng trở thành nền tảng vững chắc cho các nhà xuất bản biết tận dụng công nghệ hiện đại để cho ra đời những sản phẩm sách phù hợp với thị hiếu của công chúng.

 

2. “Giải pháp tổng thể quản trị thư viện hiện đại” của chuyên viên Dương Thu Thuỷ - Công ty D&L. Tác giả cho rằng việc ứng dụng các phần mềm thư viện mới hiện nay sẽ giúp các thư viện nâng cao được vai trò, vị thế của mình thông qua việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ thông tin phong phú, đa dạng, đáp ứng tối ưu nhất các nhu cầu của người dùng. Thay cho việc ngồi chờ thư viện phục vụ cho mình, họ sẽ được tạo điều kiện để tự phục vụ, chủ động tìm kiếm thông tin theo nhu cầu, nhất là khi đứng trước các yêu cầu của đổi mới giáo dục như hiện nay. Với những tiêu chí như lấy người học làm trung tâm, phát triển tính độc lập – sáng tạo của sinh viên thì các đơn vị giáo dục, đặc biệt là các cơ quan thông tin – thư viện cần trang bị và tạo điều kiện nhiều hơn nữa để sinh viên có thể phát huy tính chủ động, năng động và sáng tạo của mình một cách tốt nhất.

 

3. “Ứng dụng phần mềm mã nguồn mở DSpace để xây dựng một mô hình chia sẻ nguồn thông tin số giữa các Đại học ở Việt Nam” của chuyên viên Bùi Thị Anh - Công ty D&L. Bài tham luận đã nêu rõ vai trò quan trọng của thư viện trong các trường đại học. Qua đó giới thiệu phần mềm mã nguồn mở DSpace như một giải pháp quản lý và chia sẻ nguồn tài nguyên số như sách, báo, luận văn, luận án … với hầu hết các định dạng mà máy tính và các thiết bị ngoại vi có thể đọc được.

 

4. Một số kinh nghiệm lựa chọn phần mềm mã nguồn mở để xây dựng thư viện điện tử của ThS. Phạm Quang Quyền, GĐ Trung tâm Thư viện – Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Trong bài tham luận, tác giả nêu rõ việc tác động của công nghệ thông tin và truyền thông đã làm biến đổi sâu sắc đối với các hoạt động của thông tin thư viện, các kinh nghiệm lựa chọn giải pháp ứng dụng trong hoạt động thông tin – thư viện và giảng dạy cho chuyên ngành này, cũng như việc lựa chọn phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động thông tin thư viện.

 

Bên cạnh các bài tham luận, Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp và chia sẻ của các đại biểu tham dự: ông Vũ Duy Lân, PGĐ Công ty D&L; ThS. Phạm Bích Ngân - GĐ Trung tâm Thông tin - Thư viện - Đại học Văn hoá Hà Nội; ThS. Nguyễn Thị Ngà - GV Khoa Thư viện Thông tin;…  Kết thúc Hội thảo, TS. Đỗ Quang Vinh tóm tắt kết luận từ các vấn đề do đại biểu đem đến tham luận. Có thể nói rằng, hầu hết các nội dung được trình bày trong thời gian diễn ra Hội thảo đều được thảo luận một cách nghiêm túc và bổ ích, mở ra những cơ hội mới về sự hỗ trợ, hợp tác và ứng dụng Công nghệ Thông tin và truyền thông ICT liên quan giữa các đơn vị trong và ngoài trường.

 

Bài và ảnh: Lê Thị Cẩm Bình- Khoa LLCT&KHCB